Trang nhất
 
 
Thông tin-Sự kiện
 
 
Kỹ Thuật Chăn Nuôi
 
 
Thông Tin Chăn Nuôi
 
 
Gương Mặt
 
 
Thông Tin Thị Trường
 
 
Hỏi - Đáp
 
 
Thư Giãn
 
 
Rao Vặt
 
Mỗi Tuần Một Gương Mặt
> Trang Trại
4/1/2014 09:54:35
Cuối năm thăm trại heo “sạch” bệnh/ Visiting farm "clean" disease at the end of the year
Hiện nay, một trong những bài toán nan giải đối với người chăn nuôi nói chung cũng như người chăn nuôi heo nói riêng là vấn đề về vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Để tìm được lời giải cho bài toán khó ấy thì người chăn nuôi phải tính toán hết sức kỹ lưỡng trước khi tiến hành chăn nuôi. Nhưng từ những đồng vốn vay mượn ít ỏi ban đầu, anh Đỗ Duy Hùng (ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã gầy dựng nên một trang trại chăn nuôi heo “sạch” bệnh và sớm “nổi tiếng” ở khắp mọi nơi.

Được sự giới thiệu nhiệt tình của Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – ông Nguyễn Kim Đoán, chúng tôi đến thăm trại heo của gia đình anh Duy Hùng vào những ngày cuối năm. Bên ấm trà nóng, anh Hùng cho biết, thời điểm hơn 15 năm về trước, cuộc sống gia đình chủ yếu chỉ dựa vào việc làm nương, trồng rẫy. Nhưng dù chăm chỉ, cày cuốc quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” song cuộc sống gia đình anh vẫn khốn khó trăm bề. “Thời điểm ấy, gia đình tôi cũng trồng nhiều rẫy lắm, chủ yếu là trồng cà phê và hồ tiêu nhưng lúc đó nông sản ồ ạt kéo nhau rớt giá nên kinh tế gia đình túng thiếu và cơ cực lắm”, anh Hùng bùi ngùi nhớ lại.

Thấy mô hình nuôi heo của các gia đình hàng xóm có hiệu quả nên anh đã bàn bạc với vợ chuyển từ làm rẫy sang chăn nuôi heo mong sao cuộc sống gia đình thấm khá hơn. Thế là, năm 2003, vợ chồng anh quyết định “làm liều” bán bớt đất rẫy để tập trung cho nghề nuôi heo. Nhờ có số vốn từ việc bán đất rẫy cộng với việc vay mượn ít ỏi từ bạn bè, anh Hùng đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 100 con heo giống về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng biện pháp kỹ thuật nên những lứa heo đầu tiên, vợ chồng anh chị thu được lợi nhuận rất cao. “Lúc đầu, thấy nuôi heo có lời quá nên vợ chồng tôi đã bỏ hẳn làm rẫy mà chỉ tập trung vào việc chăm sóc đàn heo”, anh Hùng phấn khởi chia sẻ thêm.

Qua việc tham gia các lớp học ngắn hạn về kỹ thuật chăn nuôi heo cộng với những khiến thức học “lóm” từ những hộ chăn nuôi trong khu vực anh đã chắc lọc và áp dụng các kiến thức rất hiệu quả. Từ những thành công bước đầu đã giúp anh tự tin mở rộng thêm chuồng trại và đến nay gia đình anh Hùng từ một hộ nghèo, khó khăn thì nay đã sở hữu một trang trại heo có quy mô lớn nhất nhì xã Xuân Thiện.

Với quy mô hơn 120 con nái và trên 1.200 con heo thịt trong diện tích chuồng khoảng 2ha, trại được anh thiết kế khá bài bản với 6 dãy chuồng riêng biệt (2 dãy heo thịt, 2 dãy heo cai sữa, 1 dãy heo bầu và 1 dãy heo nuôi con). Đặc biệt, trại heo của anh được xây dựng cách xa khu dân cư, ở khu đất cao ráo, thoáng mát, xung quanh rất ngăn nắp, tươm tất, sạch sẽ và nhất là không nghe mùi hôi thối. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư hệ thống máng ăn bán tự động, hệ thống nước uống tự động vào mỗi chuồng nuôi… Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, toàn bộ chất thải từ heo được anh xử lý qua hầm biogas. Việc xây dựng hệ thống biogas đã cung cấp toàn bộ chất đốt cho sinh hoạt hàng ngày, nhờ vậy mỗi tháng gia đình anh tiết kiệm được chi phí mua gas, điện thắp sáng và sưởi ấm cho heo con.

Hiện nay, bình quân mỗi tháng gia đình anh Hùng xuất bán từ 200 đến 250 con heo thịt với giá 48.000 – 49.000 đồng/kg. Trừ tất cả chi phí, anh lãi gần 1 triệu đồng/con đem lại thu nhập ổn định cho gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 4 triệu/tháng.

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm hơn 10 năm trong chăn nuôi heo, anh Hùng cho biết: “Tôi nuôi heo thành công như ngày hôm nay là nhờ tuân thủ các nguyên tắc trong chăn nuôi. Khi mới xây dựng trang trại này, tôi luôn đặt vấn đề phòng trừ dịch bệnh cho heo lên hàng đầu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng bệnh ở đây là phải tiến hành các biện pháp xử lý, phòng dịch ngay từ đầu, tiến hành tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại một cách thường xuyên, liên tục, chứ không phải cứ ngồi một chỗ đợi dịch đến rồi mới chống dịch". Định kỳ mỗi tuần, tôi phun thuốc sát trùng 1 lần cho tất cả khu vực trong và ngoài trại. Nếu có dịch xảy ra thì tôi sẽ vệ sinh sát trùng 2 lần/ tuần. Còn việc tiêm phòng vắc-xin thì toàn bộ đàn heo đều được tiến hành tiêm đúng liều lượng, đúng thời điểm và theo sự hướng dẫn của cơ quan thú y”. “Ngoài ra, thức ăn cho heo cũng rất quan trọng, phải đảm bảo nguyên tắc đủ, đúng lượng, sạch và dinh dưỡng cao”, anh Hùng lý giải thêm.

“Có thể nói, mô hình chăn nuôi heo của anh Đỗ Duy Hùng nằm trong dự án chăn nuôi heo sạch nên đã rất "nổi tiếng" ở khu vực này không chỉ về quy mô chăn nuôi, mà còn ở cách thức tổ chức chăn nuôi rất khoa học. Chính vì vậy, trong những đợt dịch bệnh nghiêm trọng như dịch lở mồm long móng năm 2006 – 2007, 2009 – 2010; dịch heo tai xanh 2012 - 2013, mặc dù có nhiều hộ chăn nuôi trong vùng bị "dính" bệnh, nhưng đàn heo (hơn 1.500 con) của gia đình anh Hùng vẫn "bình an vô sự" và không hề bị thiệt hại”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhấn mạnh thêm.

Hiện, mô hình nuôi heo an toàn sinh học của anh Đỗ Duy Hùng (ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đang là một “điểm sáng” để nhân rộng tại địa phương. Và mô hình này là một địa chỉ tham quan, học tập và áp dụng của rất nhiều bà con trong và ngoài tỉnh.

(Heo Team)




Các tin khác :
loading...
loading...

Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
Số 6, Hưng Thái 1, P. Tân Phong, Q.7, Tp.HCM
ĐT: (08) 5410. 3615 - Fax: (08) 5410 3573 - Email: heo@heo.com.vn
©Copyright 2010 by Kiến Thức Chăn Nuôi Heo
®Kiến Thức Chăn Nuôi Heo giữ bản quyền nội dung trên website này
Số lượt truy cập: stats counter