Hỏi - Đáp
> Hỏi và Đáp
15/5/2016 11:00:12
Hỏi Đáp Tháng 05/2016
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về kiến thức chăn nuôi Heo, xin vui lòng đặt câu hỏi cho chúng tôi qua hộp thư: heo@heo.com.vn hoặc liên lạc trực tiếp vào số điện thoại: 028.54103615
Hỏi: Heo của tôi nó mắc bệnh THƯƠNG HÀN giai đoạn cuối, nó bị đau bụng đi phân lỏng, không ăn, người nó bị sưng phù, ... Xin cho tôi hỏi cách điều trị? ![]() (Hình ảnh minh họa) Trả lời: Nếu heo của Trại bị bệnh thương hàn với tình trạng như trại mô tả, tốt nhất là Trại nên loại thải heo nói trên vì việc điều trị sẽ không đem lại hiệu quả. Để phòng bệnh, Trại nên tiến hành phòng bệnh phó thương hàn cho những heo còn lại: cách ly và loại thải heo bệnh, chích vắc-xin phó thương hàn cho những heo khác trong bầy, vệ sinh tiêu độc chuồng trại thật kỹ, liên tục trong vòng 1 tuần. Ngoài ra Trại nên áp dụng biện pháp bổ sung kháng sinh vào trong thức ăn hay nước uống cho heo liên tục trong vòng 1 tuần với một trong các loại kháng sinh sau: amikacin, gentamicin, neomycin, apramycin, lincomycin-spectinomycin, ceftiofur, nhóm quinolone. Trại chú ý nên cho heo uống nhiều nước, tăng cường chất xơ để loại thải nhanh chất độc và vi khuẩn Salmonella ra khỏi đường ruột heo. Kính chúc sức khoẻ và thành công. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh. Hỏi: Đàn heo khoảng 50-60 kg, bỏ ăn, lông dựng lên, da nổi gai ốc, phân hơi khô, thỉnh thoảng sốt cao, có con xuất huyết ở chân và vùng bụng. Xin cho hỏi heo bị bệnh gì và cách điều trị như thế nào. ![]() (Hình ảnh minh họa) Trả lời: Bạn không cho biết heo bệnh có được điều trị bằng kháng sinh có khỏi không? Heo bệnh có chết không và tỷ lệ chết bao nhiêu? Tình trạng phân hơi khô kéo dài hay chỉ xảy ra khi heo bệnh? Quy trình chích vắc-xin thế nào? Vi vậy, chúng tôi chỉ có thể đưa ra vài nhận xét như sau: với những dấu hiệu mà Bạn nêu, heo bệnh có thể do những nguyên nhân khác nhau như: vi khuẩn đường máu Eperythrozoon suis, Dịch tả heo, PRRS, PCV2… Bạn cần kiểm tra lại xem tình trạng phân hơi khô là do heo thiếu nước uống hay do heo không chịu uống nước? Bạn có thể sử dụng kháng sinh oxytetracycline để điều trị bệnh do Eperythrozoon suis. Để can thiệp phụ nhiễm trong trường hợp Dịch tả heo, PRRS, PCV2… Bạn có thể sử dụng tylosin hay tiamulin kết hợp oxytetracycline. Thời gian điều trị tối thiểu là 1 tuần. Bạn nên lấy mẫu máu heo để xét nghiệm cho chính xác. Kính chúc sức khoẻ và thành công. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh. Hỏi: Heo nái đang mang thai sốt bỏ ăn, tiêm hạ sốt, gluco k-c và amox sau 3 ngày nái hết sốt nhưng không chịu ăn, phải đổ cám vào miệng. Tiến triển thêm 2 ngày thì nó ăn lại được gần 1kg bột, nhưng sang ngày tiếp theo nái lại bỏ ăn. Xin cho hỏi nái bị gì và cách điều trị bệnh. ![]() (Hình ảnh minh họa) Trả lời: Theo như mô tả của Bạn, chúng tôi nghĩ rằng heo nái của nhà có thể đã bị stress nhiệt do nhiệt độ chuồng nuôi quá cao, thông thoáng kém, hoặc cũng có thể nái bị nhiễm độc tố máu, nhiễm trùng, ví dụ như Salmonella… Bạn có thể can thiệp với các biện pháp như tiêm hạ sốt, tăng cường lợi tiểu, truyền dịch glucose có vitamin C, kèm theo chích vitamin ADE và vitamin nhóm B. Để phòng trị nhiễm trùng do vi khuẩn, Bạn có thể tiêm một trong các loại kháng sinh không ảnh hưởng đến nái mang thai như nhóm beta-lactame (amoxicillin hoặc amoxicillin kết hợp acid clavulanic; cephalosporins) hoặc marbofloxacin cho nái. Ngoài ra, nước uống cho heo nên được làm mát để kích thích heo uống nước, giải nhiệt, cần tăng cường làm giảm nhiệt độ chuồng, tắm cho nái, gắn quạt để thông thoáng và giải nhiệt cho nái. Để kích thích nái ăn nên cho nái ăn cám dạng lỏng và cho ăn lượng nhỏ để nái ăn hết cám, không lãng phí. Kính chúc sức khoẻ và thành công. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh. Hỏi: Heo con mới đẻ ra 2 chân trước bị sưng to, màu đỏ hồng. Heo đứng không được vẫn bú được, sống được vài giờ. Bầy 10 con bị khoảng 2 đến 3 con. Số còn lại vẫn bình thường. Xin cho biết nguyên nhân. Cách phòng-trị. Cảm ơn ![]() (Hình ảnh minh họa) Trả lời: Bạn cung cấp quá ít thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ Bạn tốt hơn vì không thể có nhận định chính xác về nguyên nhân liên quan đến hiện tượng trên heo con tại trại của Bạn. Chúng tôi xin chia sẻ vài ý như sau: Hiện tượng một vài heo con sơ sinh chết vài ngày sau khi sinh thường xảy ra ở tất cả các trại và trên tất cả các nhóm nái với nhiều nguyên nhân khác nhau: nái mang thai không được chăm sóc dinh dưỡng phù hợp (nái thiếu dinh dưỡng, bón, nước uống không đầy đủ…), nái bị nhiễm trùng trong thời gian mang thai hoặc đã từng bị nhiễm bệnh do một số vi sinh vật như PRRS, PCV2, Salmonella, Aujeszky… ở lứa trước đó. Do vậy, để hạn chế tình trạng heo sơ sinh chết sớm sau khi sinh, Bạn cần kiểm tra lại những yếu tố liên quan như chúng tôi đã chia sẻ ở trên và khắc phục những sai sót tại trại. Bạn cần có sự tư vấn của Bác sỹ thú y để thưc hiện tiêm phòng đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tuỳ theo đặc điểm trại của mình. Bạn phải lưu ý tránh để cho heo nái bị táo bón trong thời gian mang thai, có thể áp dụng biện pháp cho heo nái ăn kháng sinh, ví dụ như amoxicillin, hay tylosin… với liều điều trị trong vòng 1 tuần trước khi nái đẻ. Ngoài ra Bạn cần áp dụng biện pháp tẩy ký sinh trùng cho nái 1 tuần trước khi đưa vào trại đẻ. Kính chúc sức khoẻ và thành công. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh.
Các tin khác :
![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() |
![]() loading...
![]() |
![]() ![]() loading...
|
Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
Số 6, Hưng Thái 1, P. Tân Phong, Q.7, Tp.HCM ĐT: (08) 5410. 3615 - Fax: (08) 5410 3573 - Email: heo@heo.com.vn ©Copyright 2010 by Kiến Thức Chăn Nuôi Heo ®Kiến Thức Chăn Nuôi Heo giữ bản quyền nội dung trên website này
Số lượt truy cập:
|