Trang nhất
 
 
Thông tin-Sự kiện
 
 
Kỹ Thuật Chăn Nuôi
 
 
Thông Tin Chăn Nuôi
 
 
Gương Mặt
 
 
Thông Tin Thị Trường
 
 
Hỏi - Đáp
 
 
Thư Giãn
 
 
Rao Vặt
 
Hỏi - Đáp
> Hỏi và Đáp
15/8/2016 11:45:50
Hỏi Đáp Tháng 08/2016
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về kiến thức chăn nuôi Heo, xin vui lòng đặt câu hỏi cho chúng tôi qua hộp thư: heo@heo.com.vn hoặc liên lạc trực tiếp vào số điện thoại: 028.54103615

Hỏi: Tôi tiêm thuốc hay bị Abscess, xin hướng dẫn cách chữa abscess giúp tôi được không? Xin hướng dẫn cách tiêm thuốc cho heo đúng cách?

(Hình ảnh minh họa)

Trả lời: Abscess là hiện tượng viêm nhiễm vi khuẩn sinh mủ ở mô dưới da, khi da bị tổn thương do trầy xước, tiêm… tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh mủ (chủ yếu là Staphylococcus, Streptococcus) hiện diện sẵn trên da của heo, trong môi trường xâm nhiễm, phát triển gây tổn thương mô, sinh mủ, hình thành abscess. Trong chăn nuôi heo, abscess thường hay xuất hiện ở những vị trí hay bị tiêm chích (vùng cổ, đùi), do khi tiêm không đảm bảo diều kiện vô trùng (heo nái hay bị) hay vùng rốn do vệ sinh cuống rốn không đảm bảo (heo con theo mẹ). Để hạn chế sự tạo thành abscess, cần hết sức chú ý sát trùng cẩn thận vị trí tiêm trước và sau khi tiêm, rốn sau khi cắt, tiêu độc dụng cụ cắt rốn, sử dụng kim tiêm một lần, thực hiện tiêm thuốc đúng đường cấp theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, cố định heo khi tiêm (heo con cần được ôm, giữ chặt; heo thịt, heo nái cần được khớp mõm…). Điều trị abscess cần được tiến hành sớm bằng biện pháp xoa, chườm nóng, tiêm kháng sinh nhóm cephalosporin, kháng viêm nhóm không phải corticoid. Ở heo, do điều kiện vệ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng không cho phép đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm trùng sau phẩu thuật, nên biện pháp xử lý abscess bằng phẩu thuật chỉ được áp dụng rất hạn chế. Trong trường hợp đặc biệt có thể áp dụng biện pháp mở miệng abscess, chú ý chỉ nên mở miệng rất nhỏ, đủ để nặn mủ, bơm thuốc rửa, sát trùng và kháng sinh vào trong ổ abscess, tiêm thuốc chống tiết dịch, phù nề như ketoprofen để giúp ổ abscess sau khi phẩu thuật được nhanh khô, giảm viêm. Kính chúc Bạn sức khoẻ, may mắn và thành công. 
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh.
 
Hỏi: Heo khoảng 30kg sốt cao lúc đầu có lấm chấm xuất huyết sau tím tái. Heo có lúc táo bón lúc tiêu chảy. Xin hỏi heo bị gì và cách xử lý như thế nào?

(Hình ảnh minh họa)

Trả lời: Nếu Trại cung cấp them những thông tin như: các loại vắc-xin đã được sử dụng cho heo, tỷ lệ bệnh, tỷ lệ chết, quy trình điều trị, kết quả điều trị… chúng tôi sẽ có cơ sở để trả lời chính xác hơn. Theo như hình và mô tả của Trại, tạm thời chúng tôi nghi ngờ heo Trại có khả năng bị bệnh Dịch tả heo, hoặc cũng có thể bị bệnh PRRS. Tốt nhất trong trường hợp này, Trại nên lấy máu heo bệnh gửi đi xét nghiệm 2 bệnh trên để có cơ sở áp dụng biện pháp phù hợp. Nếu là do bệnh Dịch tả heo, Trại cần áp dụng biện pháp tiêm vắc-xin Dịch tả heo khẩn cấp cho toàn đàn heo trong trại, trừ heo nái nếu đã tiêm phòng. Nếu là bệnh PRRS, Trại cũng cần áp dụng biện pháp tiêm vắc-xin PRRS khẩn cấp cho toàn đàn heo trong trại. Chú ý đối với bệnh PRRS, lựa chọn ưu tiên vắc-xin chết, nếu không có, sử dụng vắc-xin PRRS dòng châu Âu hoặc dòng châu Mỹ. Lưu ý khi tiêm vắc-xin có thể gây nên tình trạng một số heo sẽ phát bệnh nặng do phản ứng của virus gây bệnh đang trong cơ thể heo. Đối với bệnh PRRS, Trại có thể sử dụng thêm biện pháp hỗ trợ là cấp kháng sinh như tulathromycin, kháng viêm không corticoid, hạ sốt, vitamin C, vitamin nhóm B để tăng cường sức đề kháng cho heo, giảm thiểu thiệt hai. Ngoài ra, Trại thực hiện ngay biện pháp vệ sinh, tiêu độc chuồng trại chống dịch, phun thuốc sát trùng 2 ngày một lần, cách ly heo bệnh, tăng cường làm mát, thông thoáng chuồng trại. Về lâu dài, Trại cần thực hiện tốt việc tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như Dịch tả heo, PRRS, đóng dấu son, tụ huyết trùng… Kính chúc Bạn sức khoẻ, may mắn và thành công. 
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh.

Hỏi: Tôi hiện công tác trong lĩnh vực cám nhưng bên bộ phận kỹ thuật bò, hiện muốn nuôi heo, nhưng kiến thức chưa nhiều, cho tôi hỏi có bài toán tính về việc mở trại heo về thức ăn hay chi phí chuồng trại, heo (nái, thịt, giống,.. thức ăn) không? Tôi định khởi đầu với 5-10 nái, thì xin hỏi nếu bắt đầu nuôi thì nuôi nái hay nuôi thịt sẽ hiệu quả hơn và chi phí. Tôi chân thành cảm ơn.
(Đức Anh)

Trả lời: Chăn nuôi heo có thể chia thành 2 hướng chính: sản xuất heo giống và sản xuất heo bán thịt, tuỳ theo hướng sản xuất mà có những tính toán về đầu tư khác nhau. Về cơ bản giữa 2 hướng sản xuất có sự khác biệt như sau:

1. Sản xuất heo giống: 
  • Vốn đầu tư chuồng trại, trang thiết bị, kỹ thuật cao hơn, nhưng lợi nhuận cũng cao hơn.
  • Sản phẩm của hướng chăn nuôi này bao gồm: heo con và heo hậu bị để nuôi làm giống sản xuất; heo con khoảng 2 tháng tuổi để nuôi heo bán thịt. 
  • Nguồn heo ban đầu: heo cái giống hậu bị khoảng 80 -100 kg.
  • Thời gian nuôi để ra sản phẩm đầu tiên: khoảng 8 tháng.
  • Yêu cầu trình độ kỹ thuật: cao, hiểu biết về sinh lý sinh sản của nái, thụ tinh nhân tạo, chăm sóc nái đẻ, heo con theo mẹ…
  • Chi phí: Chỉ ước tính các khoản chi lớn
  • Giống: khoảng 8 triệu đồng/nái hậu bị 90 – 100 kg. 
  • Thức ăn: khoảng 500 kg/lứa đẻ x 11.000 – 12.000/kg
  • Chuồng trại: Tuỳ theo nuôi chuồng kín hay chuồng hở. Chuồng nái mang thai, chuồng nái đẻ, chuồng heo sau cai sữa. Ước tính khoảng 10 -12 triệu đồng/nái.
2. Sản xuất heo bán thịt: 
  • Vốn đầu tư chuồng trại, trang thiết bị, kỹ thuật thấp hơn, và lợi nhuận cũng thấp hơn. 
  • Sản phẩm của hướng chăn nuôi này là heo nuôi bán thịt.
  • Nguồn heo ban đầu: heo con khoảng 2 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 20 kg. 
  • Thời gian nuôi để ra sản phẩm đầu tiên: khoảng 3,0 – 3,5 tháng.
  • Yêu cầu trình độ kỹ thuật: thông thường.
  • Chi phí: Chỉ ước tính các khoản chi lớn
  • Giống: khoảng 2 triệu đồng/heo con khoảng 20 kg. 
  • Thức ăn: khoảng 200 kg/heo x 11.000 – 12.000/kg (xuất chuồng 100 kg).
  • Chuồng trại: Tuỳ theo nuôi chuồng kín hay chuồng hở. Chuồng heo choai, chuồng heo thịt. Ước tính khoảng 10 triệu đồng/ chuồng/ 10 heo.
Bạn hãy cân nhắc các điều kiện cụ thể của mình liên quan đến các yếu tố cơ bản được trình bày ở trên để lựa chọn cho mình hướng chăn nuôi heo phù hợp. Kính chúc Bạn sức khoẻ, may mắn và thành công. 
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh.

Hỏi: Heo nái mang thai khoảng tháng thứ 2 đến tháng thứ 3 thì nái bỏ ăn từ 1-2 ngày, không sốt. Sau đó ăn uống bình thường. Đến lúc đẻ, nái đẻ sớm từ 3-5 ngày. Một vài con nái đẻ đúng ngày nhưng thai bị chết lưu nhiều, có đàn chết một nửa, có đàn chết hết. Heo con đẻ ra yếu, có con bị bẹt chân, tỷ lệ heo con sống thấp. Heo mẹ đẻ xong vẫn ăn uống bình thường, không sốt, không viêm. Có nái sau khi đẻ 2-3 ngày thì mất sữa hoàn toàn mặc dù heo con vẫn theo bú. Tỷ lệ nái bị bệnh chiếm khoảng 80% trên đàn. Trước phối đã tiêm phòng vắc-xin Parvo, dịch tả, phó thương hàn, tu huyết trùng. Cho hỏi nái bị bệnh gì? Khắc phục như thế nào.

Trả lời: Theo mô tả của Trại chúng tôi nghi ngờ nguyên nhân gây ra tình trạng trên ở nái của trại có thể liên quan đến yếu tố vi sinh vật, trong đó quan trọng là PCV2, virus PRRS và virus gây bệnh Giả dại (Aujeszky). Để kiểm soát bệnh do những virus nói trên, Trại cần thực hiện tiêm phòng trên toàn đàn nái, kể cả hậu bị. Trại nên nhanh chóng lấy mẫu máu heo có triệu chứng nói trên, kết hợp lấy mẫu thai sẩy đem đi xét nghiệm để biết chính xác hơn nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn vắc-xin phòng bệnh cho phù hợp. Trước mắt, Trại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, tiêu độc để giảm mầm bệnh trong trại. Heo con đẻ ra, nếu nái mất sữa, Trại cần thực hiện biện pháp ghép bầy, cho heo con uống kháng thể lòng đỏ trứng trong vòng 3 – 5 ngày để tăng cường miễn dịch, cho heo con ăn sữa thay thế để bổ sung dinh dưỡng cần thiết để heo phát triển, chú ý giữ ấm và bổ sung chế phẩm vi sinh vật có lợi để hỗ trợ heo con tiêu hoá và chống bệnh. Kính chúc Bạn sức khoẻ, may mắn và thành công. 
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh.




Các tin khác :
Hỏi Đáp (5/10/2016)
Trang:   1  2  3  
loading...
loading...

Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
Số 6, Hưng Thái 1, P. Tân Phong, Q.7, Tp.HCM
ĐT: (08) 5410. 3615 - Fax: (08) 5410 3573 - Email: heo@heo.com.vn
©Copyright 2010 by Kiến Thức Chăn Nuôi Heo
®Kiến Thức Chăn Nuôi Heo giữ bản quyền nội dung trên website này
Số lượt truy cập: stats counter