Hỏi - Đáp
> Hỏi và Đáp
19/9/2016 17:24:31
Hỏi Đáp Tháng 09/2016
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về kiến thức chăn nuôi Heo, xin vui lòng đặt câu hỏi cho chúng tôi qua hộp thư: heo@heo.com.vn hoặc liên lạc trực tiếp vào số điện thoại: 028.54103615
Hỏi: Nái nhà đẻ được 11 con không sốt nhưng ăn hơi ít. Nái không đủ sữa cho heo con xin cho hỏi cách khắc phục?. Hình ảnh minh họa Trả lời: Heo nái không bị sốt và không đủ sữa cho heo con, thường liên quan đến 2 yếu tố: chuồng trại và dinh dưỡng. Chuồng trại quá nóng, kém thông thoáng, hệ thống cấp nước không phù hợp (vị trí vòi nước, lưu lượng nước thấp, nhỏ hơn 1 lít/phút)… sẽ làm heo kém ăn, stress giảm khả năng tiết sữa. Yếu tố dinh dưỡng có thể do dinh dưỡng kém giai đoạn nuôi con lứa trước, heo nái mất quá nhiều sức để phục hồi, thể trạng mang thai kém (điểm thể trạng nhỏ hơn 3) hoặc nái quá mập khi mang thai (điểm thể trạng lớn hơn 4). Ngoài ra, ở giai đoạn nuôi con hiện tại, heo nái nuôi 11 con là tương đối nhiều, nhưng ăn uống không đủ, sẽ làm nái giảm năng tiết sữa. Để khắc phục Bạn cần làm mát chuồng, giảm nóng cho nái, tạo điều kiện cho nái ăn đầy đủ dưỡng chất hơn bằng cách tăng số lần cho ăn (mỗi ngày ít nhất 3 bữa, cho ăn nhiều hơn lúc sáng sớm và chiều tối), tăng chất lượng cám, cung cấp đủ nước uống cho nái. Về dinh dưỡng, nái nuôi con cần khoảng 2,5 kg thức ăn để duy trì các hoạt động cơ bản của cơ thể, và khoảng 0,3 – 0,5 kg cám cho mỗi heo con được cho bú. Nước uống, nái nuôi con cần khoảng 20 – 40 lít/ngày. Vòi nước cần đảm bảo lưu lượng khoảng 1,5 – 2 lít/ phút. Bạn có thể châm nước vào máng ăn để nái uống thêm khi cần. Trong trường hợp đã can thiệp mà nái vẫn không tiết đủ sữa, Bạn cần tập ăn sớm cho heo con, cho ăn sữa thay thế để bù đắp dinh dưỡng cho heo con khi thiếu sữa mẹ. Kính chúc Bạn sức khoẻ và thành công. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông Lâm Tp. HCM. Hỏi: Nhà có khoảng 20 nái, áp dụng thụ tinh nhân tạo nhưng có một số con thường xuyên gặp tình trạng tinh phối bị trào ngược ra ngoài. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục. Trả lời: Thông thường, nếu nái lên giống bình thường, phối đúng thời điểm và kỹ thuật, tử cung heo sẽ tự co bóp để rút tinh vào trong. Khi thụ tinh nhân tạo đôi lúc thấy tinh bị trào ngược ra ngoài có thể là do một trong các nguyên nhân sau: sử dụng cây phối không đúng, kích thích nái chưa đủ, kỹ thuật phối chưa đúng, xác định thời điểm lên giống không chính xác… Sử dụng cây phối và kỹ thuật không đúng: Cây phối có hai loại: cây phối thông thường và cây phối sâu. Khi sử dụng cây phối thông thường, nên gây kích thích nái bằng heo đực hoặc bằng tay ở 2 bên vùng hông nái. Tuy nhiên, khi sử dụng cây phối sâu vào tử cung thì không được sử dụng heo đực và kích thích nái vì có thể gây tác dụng làm trào ngược tinh ra. Thời gian sử dụng cây phối sâu không quá một phút. Khi mới áp dụng biện pháp này, kỹ thuật viên cần được các chuyên gia huấn luyện. Khi thụ tinh nhân tạo nếu thấy tinh bị trào ngược ra ngoài cần ngưng bơm tinh, nắm chặt âm hộ, kích thích các điểm tạo cảm giác ở nái, đập tay vào mông nái, kiểm tra lại vị trí cây phối…, chờ khoảng ít phút, tiếp tục bơm tinh. Không cần thiết phải phối thêm liều nếu tinh trào ra không nhiều. Khi thực hiện thụ tinh nhân tạo cần tuân thủ các vấn đề cơ bản đó là: kích thích nái tiết oxytocin bằng cách cho heo đực đứng trước mặt nái, hay kích thích hai bên hông nái từ 5 đến10 phút, vệ sinh âm hộ ngoài, đưa cây phối vào từ từ. Nên phối heo trong vòng 20 phút khi heo nái bắt đầu nhận được sự kích thích. Nếu trong thời gian này không phối kip, thì cần chờ khoảng 30 phút để tạo kích thích mới cho nái. Kính chúc Bạn sức khoẻ và thành công. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông Lâm Tp. HCM. Hỏi: Heo con ba ngày tuổi bị tiêu chảy đã cho uống spectinomycin nhưng không thấy bớt. Sau đó cả đàn đều bị. Xin hỏi heo bị bệnh gì? Điều trị như thế nào? Và cách phòng bệnh?. Hình ảnh minh họa Trả lời: Thuốc spectinomycin mà Bạn dùng chỉ có tác dụng làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh trên đường ruột, có thể sử dụng cho các trường hợp tiêu chảy thông thường do vi khuẩn. Theo mô tả của Bạn, heo trong trại có biểu hiện rất giống bệnh tiêu chảy cấp (PED) do Coronavirus gây nên. Bệnh do virus do đó không có thuốc điều trị đặc hiệu và do tiêu chảy, mất nước nhanh nên heo con theo mẹ, nhất là heo con dưới 1 tuần tuổi, nếu bị bệnh sẽ có tỷ lệ chết rất cao, có thể đến 100%. Heo sau cai sữa và heo thịt bị bệnh PED chỉ tiêu chảy, giảm trọng lượng nhưng hầu như không chết nếu có biện pháp hỗ trợ hợp lý, phòng bội nhiễm vi khuẩn trên đường tiêu hoá và hô hấp. Để giảm thiểu tỷ lệ chết khi dịch bệnh xảy ra đối với heo con theo mẹ, nhất là heo con dưới 1 tuần tuổi, Bạn có thể sử dụng kháng thể đặc hiệu với virus PED (có trong các chế phẩm kháng thể lòng đỏ trứng) cho heo con uống ngày 2 lần với liều gấp đôi so với khuyến cáo, liên tục trong vòng 5 – 7 ngày, đồng thời bù nước và bù điện giải tích cực, cấp glucose để cung năng lượng cho heo con, a-xít amin để cung cấp dinh dưỡng, tăng cường ủ ấm cho heo con, và bổ sung men tiêu hoá. Ngoài ra Bạn còn có thể cho heo con đang tiêu chảy uống thêm chế phẩm Smecta (bột uống cho người bị tiêu chảy), 1 gói/con. Bạn cần lưu ý rằng kháng thể lòng đỏ trứng đặc hiệu với virus PED phát huy hiệu quả tốt nhất khi bệnh chưa xảy ra, nghĩa là tác dụng phòng bệnh là chính. Khi heo con đã bị bệnh, việc cho heo con uống kháng thể lòng đỏ trứng đặc hiệu với virus PED chỉ có tác dụng làm giảm tình trạng tiêu chảy và giảm tỷ lệ chết, sau khi heo đã được cho uống ít nhất là 3 ngày liên tục. Đối với heo lớn, ngừng cho ăn hoặc giảm ăn 50 – 75 % trong 3 – 4 ngày, nhưng cấp đủ nước, cấp kháng sinh ngừa bội nhiễm vi khuẩn đường ruột: nhóm tetracyclin hoặc tetracyclin kết hợp với tyamulin, tylosin, tilmicosin, florphenicol… Khi bệnh PED đã xảy ra trong trại, thường bệnh sẽ tái phát ở heo lứa đẻ tiếp theo, và nhất là trên nhóm heo tơ. Bạn cần chủ động phòng bệnh PED cho heo con bằng cách cho heo con, ngay sau khi sinh ra uống kháng thể lòng đỏ trứng đặc hiệu với virus PED ngày 2 lần với liều gấp đôi so với khuyến cáo, liên tục trong vòng 5 – 7 ngày. Khi bệnh đang xảy ra, Bạn có thể lấy ruột heo con đang bị bệnh mới 1- 2 ngày, xay nhỏ chia đều cho heo nái đang mang thai chuẩn bị sinh con sau hơn 2 tuần nữa để đủ thời gian heo mẹ tạo kháng thể bảo vệ heo con khi sinh ra. Một ruột heo bệnh có thể dùng cho 8 – 10 heo mẹ. Lưu ý là hiệu quả của biện pháp này sẽ cao hơn khi heo nái sau khi được cho ăn, uống dịch ruột nói trên sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Kính chúc Bạn sức khoẻ và thành công. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông Lâm Tp. HCM. Hỏi: Tôi thường mua nái về làm giống để sản xuất heo thịt. Nơi bán họ cam kết là heo hai máu, xin hỏi có phương pháp nào kiểm tra chính xác heo 2 máu hay 3 máu không? Hình ảnh minh họa Trả lời: Theo hiểu biết của chúng tôi, để kiểm tra chính xác heo 2 máu hay 3 máu, phương pháp duy nhất là kiểm tra gien. Kính chúc Bạn sức khoẻ và thành công. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông Lâm Tp. HCM.
Các tin khác :
Hỏi Đáp
(5/10/2016)
Hỏi Đáp Tháng 08/2016
(15/8/2016)
Hỏi Đáp Tháng 07/2016
(15/7/2016)
Hỏi Đáp Tháng 06/2016
(15/6/2016)
Hỏi Đáp Tháng 05/2016
(15/5/2016)
Hỏi Đáp Tháng 4/ 2016
(29/4/2016)
|
loading...
|
loading...
|
Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
Số 6, Hưng Thái 1, P. Tân Phong, Q.7, Tp.HCM ĐT: (08) 5410. 3615 - Fax: (08) 5410 3573 - Email: heo@heo.com.vn ©Copyright 2010 by Kiến Thức Chăn Nuôi Heo ®Kiến Thức Chăn Nuôi Heo giữ bản quyền nội dung trên website này
Số lượt truy cập:
|