Kỹ Thuật Chăn Nuôi
> Thú Y
6/5/2019 10:54:20
Kiểm tra sức khỏe heo và nguyên nhân phát sinh dịch bệnh
![]() Để quản lý tốt heo khỏi các thiệt hại do bệnh, ta cần nắm rõ các nguyên nhân gây bệnh, cần quan sát phát hiện heo bệnh và thực hiện an toàn sinh học trong trang trại. Bài viết xin trình bày các kiểm tra trạng thái sức khỏe và nguyên nhân phát sinh dịch bệnh.
Trạng thái sức khỏe và dịch bệnh: Nguyên nhân gây bệnh: có thể do các yếu tố lây nhiễm như vi rút, vi khuẩn, nấm mốc, kí sinh trùng… và yếu tố không lây nhiễm như di truyền, tổn thương, ngộ độc, môi trường nuôi, stress... Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trong trại thường là do nguyên nhân tổng hợp. Ta phải xác định được nguyên nhân chính gây bệnh thì mới có thể khắc phục được dịch bệnh. Đặc biệt là những loại bệnh như PRRS, cúm heo, giả dại, Mycoplasma, Pasteurella thường gây suy giảm hoặc chậm hình thành hệ miễn dịch, nên thường phát sinh thêm các bệnh kế phát. Khi các nguyên nhân gây bệnh xâm nhập được vào heo ta sẽ thấy có các phản ứng sau (Hình 1). ![]() Nguyên nhân lây nhiễm: Bệnh do vi rút: Vi rút tồn tại tốt trong môi trường lạnh, tối và độ ẩm cao. Khả năng sinh tồn của vi rút kém khi thời tiết khô và nhiệt độ cao. Chính vì vậy, vào mùa lạnh các bệnh do vi rút thường bùng phát. Tuy nhiên, khuynh hướng hiện nay là bệnh do vi rút xảy ra quanh năm không liên quan tới thời tiết. Vi rút sẽ lây lan qua nước bọt, phân, nước tiểu, sữa, hô hấp, bọng nước trên da…. Các bệnh nguy hiểm liên quan tới vi rút có thể kể đến là PRRS, dịch tả, FMD, PED, cúm heo, bệnh do Circovirus, giả dại… ![]() Bệnh do vi khuẩn: tùy từng loại vi khuẩn và môi trường mà thời gian sống của vi khuẩn có sự khác biệt. Các loại vi khuẩn hình thành bào tử như vi khuẩn gây bệnh than có thể tồn tại vài năm, E. coli và Salmonella có thể sống vài tháng, Mycoplasma thì chỉ sống vài giờ. Cũng giống như vi rút, vi khuẩn sống lâu ở môi trường lạnh và ẩm, còn với môi trường sáng và nhiệt độ cao thì thời gian tồn tại của chúng ngắn hơn. Các loại bệnh chủ yếu do vi khuẩn gây ra là viêm màng phổi, Mycoplasma, viêm teo mũi, bệnh Glasser, E. coli, đóng dấu son, Salmonella, kiết lị…. ![]() Bệnh do kí sinh trùng và nấm mốc: Có các loại ngoại kí sinh trùng như ruồi, rận, chí và nội kí sinh trùng kí sinh trong ruột non, ruột già, thận, phổi. Ngoài ra, còn có các loại nấm mốc phát sinh do cách bảo quản thức ăn không đúng. Nấm mốc sẽ phát sinh ra độc tố, tùy từng loại độc tố nấm mốc mà khi heo ăn vào sẽ bị chậm lớn, ức chế miễn dịch, ói, giảm lượng cám ăn vào, tổn thương gan, vấn đề sinh sản, sa trực tràng… Nguyên nhân không lây nhiễm: Di truyền: việc phân biệt do di truyền hay môi trường nuôi là không dễ dàng. Tuy nhiên, nguyên nhân do di truyền thì các bất thường xuất hiện từ lúc mới sinh hoặc giai đoạn lớn. Bệnh do di truyền: run toàn thân, run chân, kì hình… Tổn thương: đa số nguyên nhân tổn thương do môi trường nuôi thường được khắc phục bằng các cải thiện quản lý nuôi dưỡng. Tổn thương của heo con có thể do nái gây ra, bấm răng không đúng, chuồng trại có vấn đề, nền chuồng…. khiến heo bị gãy chân, đau đầu gối, tổn thương da. Đối với heo choai, heo thịt thường xuất hiện tình trạng cắn đuôi, cắn tai, hông… Với heo sinh sản thì tình trạng chuồng trơn trượt có thể làm yếu chân, tổn thương da… Dinh dưỡng: gần đây heo thường gặp các vấn đề thiếu dinh dưỡng. Nguồn dinh dưỡng cấp cho heo thường là cám trộn. Vấn đề thường gặp là cung cấp thiếu dinh dưỡng nhiều hơn so với cung cấp dư dinh dưỡng. Quan sát và phân loại bệnh: Khi quan sát heo nên kiểm tra ở trại đẻ trước rồi mới kiểm tra ở trại phối và mang thai. Heo sau cai sữa thì kiểm tra theo độ tuổi, từ trại cai sữa tới heo choai, cuối cùng là heo thịt. Nên cố định thời gian quan sát heo, kiểm tra đồng thời nhiệt độ, độ ẩm, thông thoáng khí, mùi… Sau đó quan sát heo di chuyển, mật độ nuôi, trạng thái lúc ăn và uống nước, tốc độ lớn, heo có các triệu chứng như ho, tiêu chảy…, chuồng trại có vệ sinh, sát trùng tốt không, có heo còi chết không. Khi thấy lượng cám ăn giảm mạnh điều đầu tiên cần kiểm tra là hệ thống cấp nước. Hành động của heo: quan sát heo có linh hoạt, lanh lợi hay có bất thường. Nếu thấy heo nằm không bình thường, bốn chân co vào người, ngực úm xuống nền, ngồi kiểu chó thì chứng tỏ heo đã mắc bệnh hô hấp. Trường hợp heo đứng không thẳng có thể nghi ngờ heo mắc bệnh viêm màng phổi. Đầu nghiêng một bên, heo quay vòng vòng thì có thể heo mắc bệnh viêm màng não. Trường hợp heo bị viêm khớp, vết thương ngoài da thì di chuyển khó. Da: ở heo bình thường da có màu hồng nhẹ, lông mượt. Nếu thấy da heo quá trắng thì có thể chúng bị thiếu máu hoặc xuất huyết. Nếu da có màu vàng thì chức năng gan có vấn đề. Nếu da màu xám thì có thể bị viêm da hoặc nhiễm kí sinh trùng. Trường hợp da thô ráp có thể bị thiếu dinh dưỡng, bệnh, lạnh… Trường hợp có các vết loang đỏ thì có thể heo mắc bệnh đóng dấu son. Hô hấp: quan sát tần suất hô hấp, thở thể bụng, ho, nước mũi, đờm, dịch máu ở mũi, mắt. Trường hợp mũi bị cong, chảy máu có thể heo bị viêm teo mũi, dịch mũi có lẫn máu thì có thể bị viêm màng phổi, dịch mũi chảy mủ thì có thể heo bị bệnh Glasser. Ngoài ra, khi triệu chứng hô hấp xuất hiện có hệ thống thì có thể heo bị cúm, Mycoplasma, Pasteurella, PRRS, bệnh do Circovirus…. Quan sát heo sinh sản: chú ý xem ngực nái có bị sưng, sữa tiết ra có đầy đủ. Heo con có bu xung quanh mẹ đòi bú hay không. Quan sát màu sắc tuyến vú, heo có bị đau, sưng vú không. Sau khi đẻ, heo có bị chảy dịch mủ âm hộ không, có mùi bất thường không. Bệnh lây truyền có thể do heo tiếp xúc trực tiếp với nhau, hoặc do xe chở cám, xe chở heo. Qua dụng cụ, quần áo, ủng, thuốc, con người, động vật khác, qua không khí, do cám hoặc nước uống không đảm bảo. Bệnh lây truyền qua heo: có thể do nhập heo giống từ bên ngoài đã bị bệnh, truyền từ nái sang con, truyền khi di chuyển heo nuôi nhốt chung. Xe vận chuyển heo thường đi tới lò giết mổ nên cần vệ sinh, sát trùng kỹ. Khu lên heo, thảm xe, bánh xe, ủng tài xế… đều có khả năng lây bệnh. Các bệnh như TGE, PED, bệnh do Salmonella, kiết lị... là những bệnh thường có nguyên nhân lây do xe cộ. Bệnh lây truyền qua không khí: bệnh do vi khuẩn có thể lây lan từ 5 ~ 50 m, còn vi rút có thể lây qua không khí từ vài km đến vài chục km. Các bệnh do vi khuẩn như viêm màng phổi, bệnh Glasser, viêm teo mũi, liên cầu khuẩn... chỉ có khả năng truyền trong cự li ngắn. Một số bệnh như PRRS có thể lây qua không khí với cự li lên tới 3 km. Virus gây bệnh giả dại và lở mồm long móng cũng có khả năng lây truyền với khoảng cách lớn. Chim và động vật gây hại: chim có thể làm cám, nền chuồng, chất độn chuồng bị nhiễm mầm bệnh gây ra các bệnh như TGE, PED, PRRS và đóng dấu son. Chuột gây hại trong bán kính nhỏ nhưng khả năng truyền bệnh rất cao. Ngoài ra, chúng còn ăn cám của heo, là trung gian truyền các bệnh như kiết lị, viêm não cơ tim, bệnh do Salmonella... Ruồi khi đậu vào xác heo chết hoặc chất thải của heo bệnh sẽ là nguyên nhân truyền bệnh kiết lị trên heo. Để lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong trại, cần hiểu rõ về dịch bệnh. Ngăn chặn bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào. Giảm các tác nhân gây bệnh có bên trong trại. Việc loại trừ hoàn toàn tác nhân gây bệnh là điều không khả thi, nhưng ta phải khống chế chúng ở mức độ không gây thiệt hại cho trại. (Trích Ấn phẩm Thông Tin Chăn Nuôi Heo tập 103 - tháng 6/2018)
Các tin khác :
![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() |
![]() loading...
![]() |
![]() ![]() loading...
|
Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
Số 6, Hưng Thái 1, P. Tân Phong, Q.7, Tp.HCM ĐT: (08) 5410. 3615 - Fax: (08) 5410 3573 - Email: heo@heo.com.vn ©Copyright 2010 by Kiến Thức Chăn Nuôi Heo ®Kiến Thức Chăn Nuôi Heo giữ bản quyền nội dung trên website này
Số lượt truy cập:
|