Trang nhất
 
 
Thông tin-Sự kiện
 
 
Kỹ Thuật Chăn Nuôi
 
 
Thông Tin Chăn Nuôi
 
 
Gương Mặt
 
 
Thông Tin Thị Trường
 
 
Hỏi - Đáp
 
 
Thư Giãn
 
 
Rao Vặt
 
Kỹ Thuật Chăn Nuôi
> Thú Y
27/8/2020 14:07:49
Cập nhật về vi-rút corona gây bệnh trên heo (phần 1)
Vi-rút Corona COVID-19 đã chiếm trọn các tít báo gần đây. Trong bài viết này, chúng ta sẽ điểm qua một số bệnh mà họ vi-rút này gây ra trên heo, lưu ý rằng chưa có báo cáo nào về việc chủng vi-rút corona trên heo có thể gây nhiễm bệnh trên người.

Giới thiệu

  • Các chủng vi-rút trong họ coronavi-rút là vi-rút ARN, thuộc chi Nidovirales, với 2 họ phụ (subfamily): Coronaviridae bao gồm giống: Alphacoronavi-rút, Betacoronavi-rút và Gammacoronavi-rút, Toroviridae bao gồm giống: Torovi-rút và Bafinivi-rút.           
  • Những vi-rút này gây ra 5 bệnh trên heo, theo thứ tự thời gian phát hiện, lần lượt là:
  1.  Viêm dạ dày-ruột truyền nhiễm (Transmissible gastroenteritis - TGE - 1946)
  2.  Viêm não ngưng kết hồng cầu (Haemagglutinating encephalomyelitis - HEV - 1962)
  3. Tiêu chảy cấp ở heo (Porcine epidemic diarrhea - PED - 1977)
  4. Bệnh đường hô hấp ở heo do coronavi-rút (Porcine respiratory coronavi-rút - PRCV - 1984)
  5. Bệnh do Deltacoronavi-rút (PDCoV - 2009)


Chưa có báo cáo nào về ca nhiễm vi-rút corona của heo ở con người.

Bệnh viêm dạ dày-ruột truyền nhiễm - Transmissible gastroenteritis vi-rút (TGE)

Vi-rút TGE ít được ghi nhận kể từ cuối thế kỉ thứ 20. Báo cáo đầu tiên là vào năm 1946, trở nên phổ biến nhất vào các thập kỉ 70, 80 và 90 tại Mỹ và châu Âu, với tỉ lệ dương tính lên đến 95% tại các trang trại của châu Âu những năm 80. Đây là một loại vi-rút dễ lây lan, triệu chứng đặc trưng là tiêu chảy, mất nước, đôi khi nôn ói và gây tỉ lệ chết cao ở heo con.

Vi-rút TGE đã được giải trình tự hoàn toàn và chỉ có một serotype được biết đến. Có một số điểm tương đồng giữa vi-rút TGE với coronavi-rút ở bò và ở người, cũng như với coronavi-rút gây bệnh đường hô hấp của heo. Trên quan điểm dịch tễ học, bệnh xuất hiện ở cả 2 dạng: bệnh thành dịch (epidemic) và bệnh lưu nhiễm (endemic). Vi-rút có tính chịu nhiệt tương đối và có khả năng chống lại độ pH thấp và nhiều chất khử trùng. Ở 37 độ C, vi-rút bị bất hoạt trong vòng chưa đầy hai giờ. Vi-rút rất nhạy cảm với ánh sáng và khả năng chống chịu lạnh cao, có khả năng tồn tại một thời gian dài trong quầy thịt đông lạnh. Điều này có nghĩa là hầu hết các dịch bệnh xảy ra trong những tháng lạnh (mùa đông).

Sinh bệnh học

Con đường truyền lây là từ phân qua miệng.

-Vi-rút nhân lên chủ yếu trong các tế bào của đường tiêu hóa và được tìm thấy trong tế bào chất của các tế bào bị nhiễm bệnh sau 4-5 giờ, chủ yếu ở gốc nhung mao của ruột non. Vi-rút làm teo lông nhung, làm giảm đáng kể sự hấp thụ chất dinh dưỡng và gây ra tiêu chảy thẩm thấu, giảm vận chuyển natri và glucose, dẫn đến hạ đường huyết ở các con vật bị nhiễm bệnh. Đồng thời, vi-rút cũng nhân lên trong các cơ quan khác, ngoài ruột, như phổi (đại thực bào phế nang), mô tuyến vú và các hạch bạch huyết. IgA trong sữa non bảo vệ heo con đến 6-12 tuần tuổi. Miễn dịch chủ động xuất hiện sau một tuần bị nhiễm bệnh; kháng thể có thể tồn tại ở heo vỗ béo trong 6 tháng và ở heo nái lên đến hai năm. Vi-rút có thể tồn tại ở heo sau khi các dấu hiệu lâm sàng biến mất và có thể thải qua phân của heo trong 10 tuần. Do đó, những heo này vẫn là vật chủ mang mầm bệnh mà không có triệu chứng với nguy cơ lây nhiễm. Heo nái sinh sản có thể truyền vi-rút qua sữa của chúng.

Các đường lây truyền khác là xe tải, ủng, bùn và thậm chí cả chó và mèo vì vi-rút có thể tồn tại trong đường tiêu hóa của những con vật này trong hai tuần và có thể được phát thải. Thời gian ủ bệnh chỉ trong 1-2 ngày và thời gian xuất hiện các triệu chứng lâm sàng là từ 7-10 ngày.

Dấu hiệu lâm sàng

Đặc trưng nhất ở các trang trại “sạch TGE“ mới bị lây nhiễm, bắt đầu từ những ca bệnh cấp tính, có dấu hiệu tiêu chảy đột ngột và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến heo ở mọi lứa tuổi trong vài ngày. Tiêu chảy nghiêm trọng, nhiều nước, màu xanh vàng và đôi khi có mùi hôi. Ở heo con theo mẹ, triệu chứng nôn khá phổ biến, kèm theo bỏ ăn mà không bị sốt hay có bất kỳ dấu hiệu thần kinh nào. Tỷ lệ tử vong cao diễn ra trong 24-48 giờ. Tỷ lệ tử vong có thể đạt 100% ở heo con dưới một tuần tuổi, 50% trong tuần thứ hai và lên đến 25% trong tuần thứ ba. Heo con chết do mất nước. Bệnh tích quan sát được gồm dạ dày căng phồng sữa, xuất huyết điểm ở ruột non, hạch màng treo ruột sung, teo nhung mao ruột (tá tràng, không tràng và hồi tràng) với thành mỏng hơn, giảm hoạt động enzyme và có dịch màu vàng. Ở heo con, bệnh thường bội nhiễm với các vi khuẩn đường tiêu hóa như E. coliClostridium spp., làm tiên lượng xấu đi và kéo dài triệu chứng lâm sàng.

Ở heo trên một tháng tuổi, các triệu chứng diễn ra tương tự nhưng ít nghiêm trọng hơn, tỷ lệ mắc bệnh cao và tỷ lệ tử vong rất thấp. Trong các trang trại nơi vi-rút được xem là bệnh lưu hành nội bộ, heo bị nhiễm ở độ tuổi lớn hơn, đến thời điểm chúng được chuyển sang giai đoạn vỗ béo. Các hậu quả chính đối với heo vỗ béo là tốc độ tăng trưởng chậm và tỷ lệ chuyển đổi kém. Ở heo nái sinh sản, ngoài việc tiêu chảy lây lan nhanh, chỉ có thể ghi nhận sự gia tăng nhẹ trong tỉ lệ sảy thai và tỷ lệ tử vong của heo nái xảy ra trong vòng khoảng thời gian 1-3 tuần. Tình trạng chán ăn và tắc sữa thỉnh thoảng có thể bắt gặp ở heo nái đang cho con bú.

 

Chẩn đoán

Các dấu hiệu và tổn thương lâm sàng khá rõ ràng, tuy nhiên, chúng ta phải chẩn đoán phân biệt với các trường hợp bệnh gây ra bởi các chủng Escherichia coli enterotoxigenic, Clostridium spp, Rotavirus, CoccidiaCryptosporidium. Độ tuổi của lợn bị nhiễm bệnh và sự phát triển của tổn thương lâm sàng cũng sẽ giúp chúng ta thu hẹp chẩn đoán xuống. Phân tích phòng thí nghiệm được xác định bởi:

  •  Hoá mô miễn dịch phát hiện vi-rút trên mô ruột heo con.
  •  PCR xác định vi-rút từ mẫu ruột, hạch, phân.
  •  ELISA với các kháng thể đơn dòng đặc hiệu để phát hiện kháng nguyên trong phân và ruột.
  •  Kính hiển vi điện tử để phát hiện vi-rút trong mẫu dịch ruột.
  •  Xét nghiệm phản ứng trung hòa huyết thanh để phát hiện kháng thể sau 7-8 ngày bị lây nhiễm và trong 18 tháng sau đó.

Điều trị

Chỉ có thể điều trị triệu chứng, không có vắc-xin. Đã từng có một loại vắc-xin sản xuất ở Mỹ, nhưng ngày nay không còn được bán trên thị trường nữa. Bù nước là biện pháp điều trị chính và kiểm soát nhiễm trùng đồng thời giúp chúng ta giảm hậu quả. Ngoài ra, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, để trống chuồng và kiểm soát chặt chẽ các điều kiện môi trường, là những biện pháp rất quan trọng đối với heo con. Biện pháp lây nhiễm tất cả các vật nuôi trong trang trại càng nhanh càng tốt bằng phân để có được miễn dịch chủ động có thể được áp dụng.

Các biện pháp kiểm soát chính dựa trên phòng ngừa:

  • . An toàn sinh học: địa điểm, quần áo chỉ sử dụng cho trang trại, kiểm soát khách vào thăm trại, vận chuyển thức ăn và vật nuôi.
  • . Thực hiện “cùng vào, cùng ra” nghiêm ngặt trong các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Vệ sinh, rửa bằng nước nóng ở 65OC và dùng chất khử trùng.
  • . Ngăn chặn sự xâm nhập của chó và mèo vào trang trại.
  • . Khử trùng hiệu quả, thực hiện các chương trình kiểm soát loài gặm nhấm và sâu bọ.
  • . Chỉ nhập heo nái hậu bị, cũng như heo đực giống âm tính tại các cơ sở chăn nuôi.
  • . Cách ly, tập thích nghi trong suốt 8-9 tuần đối với heo nái hậu bị với sự theo dõi chặt chẽ về bất kỳ triệuv chứng tiêu hóa nào.
  • . Đảm bảo quy trình vệ sinh nước uống.
  • . Cho heo con bú sữa non từ chính heo mẹ trong 24 giờ đầu tiên trước khi chuyển qua phòng bú ghép.

Tác giả: Antonio Palomo Yagüe ( dịch theo pig333.com)



Các tin khác :
loading...
loading...

Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
Số 6, Hưng Thái 1, P. Tân Phong, Q.7, Tp.HCM
ĐT: (08) 5410. 3615 - Fax: (08) 5410 3573 - Email: heo@heo.com.vn
©Copyright 2010 by Kiến Thức Chăn Nuôi Heo
®Kiến Thức Chăn Nuôi Heo giữ bản quyền nội dung trên website này
Số lượt truy cập: stats counter