Trang nhất
 
 
Thông tin-Sự kiện
 
 
Kỹ Thuật Chăn Nuôi
 
 
Thông Tin Chăn Nuôi
 
 
Gương Mặt
 
 
Thông Tin Thị Trường
 
 
Hỏi - Đáp
 
 
Thư Giãn
 
 
Rao Vặt
 
Thông Tin Chăn Nuôi
> Thông Tin Chăn Nuôi
19/2/2019 14:22:11
Làm sao để tăng số heo con trong 1 lứa đẻ?
Mục tiêu quan trọng của những nhà sản xuất con giống chính là đạt được đàn heo con số lượng lớn, khỏe mạnh, nhưng phải làm cách nào để đạt được tối đa số heo con sinh ra khoẻ mạnh/lứa. Liz Shankland đưa ra quan điểm về những cách làm tăng số heo con trong lứa đẻ.



Điều cần lưu ý chính là số lượng heo con chịu sự ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm giống, đặc điểm di truyền, dinh dưỡng, thời gian và điều kiện phối, stress và bệnh tật. Xem xét mỗi một yếu tố trong sản xuất giống bạn sẽ có nhiều cơ hội tốt để duy trì và đạt được những lứa heo "siêu lợi nhuận". 

Chọn heo giống

Việc chọn giống có thể dựa trên tiềm năng số heo con/lứa, vì một số giống heo được chọn lọc theo đặc điểm sinh nhiều con. Các giống heo hiện đại hoặc đã được cải tạo, được phát triển và ưa chuộng bởi các nhà sản xuất, có thể cho ra những lứa đẻ từ 14 đến 20 heo con. Thậm chí còn có một số giống lai "siêu nái" – thường được mô tả là siêu cao sản – có thể sinh ra nhiều con hơn nữa.

Mặc dù có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến số heo con trong lứa đẻ, các giống truyền thống thường có ít heo con trên mỗi lứa hơn so với các giống hiện đại. Tại Hoa Kỳ, theo Tổ chức Đăng ký Heo quốc gia (National Swine Registry), các giống heo phổ biến nhất là những giống không chỉ đạt về số heo con, mà quan trọng hơn là có thể tăng trọng một cách nhanh chóng. Chúng bao gồm 5 giống sau:
1. Yorkshire
2. Duroc
3. Berkshire
4. Hampshire
5. Landrace

Ở Anh và châu Âu, các nhà sản xuất thương mại quy mô lớn có xu hướng ưu tiên chọn những giống heo lai từ các công ty chuyên về giống, được tạo ra từ các dòng Landrace, Large White, Pietrain và Hampshire của Anh, có năng suất cao.

Hiểu rõ về quá trình sinh sản của heo

Người phối tinh cho heo càng nắm rõ kiến thức chuyên môn về chu kỳ sinh dục của nái, càng gia tăng cơ hội thụ tinh thành công. Sau đây là một số điểm quan trọng cần chú ý: 
  • Nái hậu bị thường trưởng thành hoàn toàn về mặt sinh dục ở 150 – 180 ngày tuổi (5 – 6 tháng tuổi) – thời gian này có thể sớm hơn ở 1 số giống heo mau trưởng thành của châu Á. Tuy vậy, không phải chỉ vì nái hậu bị đã đủ tuổi trưởng thành và có thể phối giống thì đó đã là thời điểm thích hợp để thụ tinh. Khuyến cáo từ chuyên gia cho rằng, người nuôi cần đợi đến chu kỳ rụng trứng lần thứ 3 của heo trước khi phối giống, khi nái hậu bị đạt ít nhất 7 tháng tuổi (210 ngày). Lần động dục thứ ba này sẽ "mãnh liệt" hơn 2 lần đầu tiên, tạo ra cơ hội tốt hơn cho việc phối giống thành công. Các công ty thường khuyến nghị rằng heo nái hậu bị nên đẻ con khi tròn 1 năm tuổi, nhưng đối với những dòng heo truyền thống, sẽ tốt hơn cho nái nếu nó có thời gian để trưởng thành thêm một chút, thường bắt đầu được gieo tinh lần đầu tiên vào lúc 10 – 12 tháng tuổi. 
  • Béo phì có thể gây ra nhiều vấn đề trong quá trình thụ thai, quá nhiều mỡ ở vùng xương chậu có thể làm cho nái đẻ khó. 
  • Heo nái thường dễ thụ thai ở 5 ngày sau khi cai sữa.
  • Chu kỳ động dục diễn ra trong vòng mỗi 18 – 22 ngày. Nái hậu bị có thể được giao phối trong vòng 6 – 36 tiếng sau khi động dục, ở nái có thể lên đến 72 tiếng. 
  • Thông thường, nái nếu được thụ tinh thành công sẽ không lên giống lại trong vòng 18 – 22 ngày sau khi được phối tinh.
  • Nếu heo lên giống lại sau 23 ngày rất có thể nó đã bị sảy thai. Hãy suy nghĩ kĩ lại, có điều gì bất thường có thể gây ra việc này không? Nếu bạn gặp vấn đề tương tự ở một vài heo nái /nái hậu bị khác, hãy cân nhắc nhờ bác sĩ thú y lấy mẫu làm xét nghiệm để loại trừ các bệnh sinh sản.
Quản lý việc phối tinh
  1. Cả 2 heo được chọn giao phối đều cần có thể chất tốt, không bị quá béo hay thiếu cân. Nếu heo nái vừa mới được cai sữa, cần kiểm tra lại thể trạng của nó. Nếu nái quá gầy, hãy dời lại ngày giao phối. Hãy sử dụng một heo nọc sung mãn, để tránh việc tinh trùng bị yếu. Song song đó, điểm quan trọng cần lưu ý là, không để con đực làm việc quá sức, thông thường chỉ nên phối 1 lần/ngày. Hãy tách nọc ra khỏi nái cho đến khi nái sẵn sàng để giao phối. Việc này khiến nái sẽ có phản ứng đứng yên tốt hơn so với khi được tiếp xúc liên tục với con đực, điều này giúp cho việc giao phối dễ dàng và có hiệu quả hơn. 
  2. Chọn thời điểm giao phối phù hợp. Dấu hiệu cho thấy nái sắp sẵn sàng cho giao phối bao gồm: âm đạo sung hồng, thay đổi hành vi và rên rỉ. Tuy nhiên, nái sẽ chưa hoàn toàn sẵn sàng nếu nó chưa vào chu kỳ rụng trứng của nó, thường là vào 1 – 2 ngày sau đó, khi âm hộ đã giảm sưng.
  3. Sự rụng trứng xảy ra ở hai phần ba giai đoạn động dục thông qua dấu hiệu đứng yên, và thời gian tốt nhất để giao phối là trong vòng 24 giờ. Tiếp tục kiểm tra phản xạ đứng yên bằng cách nhấn vào lưng heo nái. Ví dụ, nếu heo nái đứng yên lần đầu tiên vào buổi sáng, cho giao phối (hoặc thụ tinh nhân tạo) vào buổi chiều, và sau đó lặp lại một lần nữa lúc 12 đến 16 giờ sau đó.
  4. Sử dụng một chỗ an toàn để cho heo giao phối, nơi không trơn trượt và tránh xa những yếu tố gây xao nhãng như: những con heo khác. Những heo đực nhỏ tuổi, chưa có kinh nghiệm có thể cần được trợ giúp trong lần đầu tiên. 
  5. Sau khi nái được giao phối, tránh những tác động làm thay đổi đáng kể hoạt động, thói quen hằng ngày của chúng. Việc chăm sóc đúng mực là điều cốt lõi để trứng có thể được thụ tinh và phôi có thể bám thành công vào thành tử cung. Nái/nái hậu bị cần tránh bị stress và đảm bảo được cung cấp khẩu phần giàu dinh dưỡng và chất lượng tốt. Nghiên cứu cho thấy rằng, ánh sáng ban ngày (12 – 16 tiếng/ngày) rất tốt đối với nái mang thai, vì vậy nếu nái mang thai nuôi nhốt trong nhà trại, hãy nghĩ cách để trong trang trại có thể đón nhiều ánh sáng hơn, như là sơn mái nhà và tường màu trắng để phản xạ ánh sáng. 
Bệnh tật và sinh sản

Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh của heo nái và khả năng sống sót của thai. Thông thường, thiệt hại do bệnh chỉ quan sát thấy tại thời điểm heo mẹ sinh con, khi có hiện tượng thai chết, thai gỗ hoặc chỉ một vài heo sơ sinh sống sót. Erysipelas (Bệnh đóng dấu son) và Porcine Parvovirus (PPV) là hai trong số những bệnh phổ biến nhất và cả hai đều có thể kiểm soát được nhờ chủng ngừa.

  • Bệnh đóng dấu son không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến khả năng sinh sản ở heo nái và heo nọc mà còn gây ra tình trạng như què chân, viêm khớp, bệnh tim, thậm chí là tử vong. Vi khuẩn Erysipelothrix rhusiopathiae dễ dàng lây lan giữa các con vật. Ước tính có đến 50% heo khỏe mạnh là vật chủ mang mầm bệnh và một khi mầm bệnh xâm nhập vào trại, không có cách nào để loại trừ. 
  • PPV gây chết heo con đang phát triển ở tử cung, đây là tác nhân phổ biến và nổi bật nhất gây ra thiệt hại sinh sản. Khoảng 90% đàn heo giống tại Anh mang mầm bệnh này, vi-rút được lây truyền qua mũi và miệng, qua ruột và bài thải ra môi trường qua phân. Trong vòng 3 tuần sau lây nhiễm,vi-rút xâm nhiễm qua nhau thai và tấn công bào thai đang phát triển.
Lưu trữ, ghi nhận dữ liệu

Mỗi nái cần có bảng dữ liệu riêng, hãy sử dụng 1 quyển sổ bỏ túi hay điện thoại mỗi khi đến thăm trại đẻ để ghi nhận lại hồ sơ sinh sản: thời gian đẻ, thời gian đẻ giữa mỗi heo con, những vấn đề cần đến hỗ trợ, thai chết tươi và những vấn đề bất thường. Ghi nhận lại bất kỳ hành vi bất thường nào của nái như hung hăng, tấn công hay đè heo con, gây tổn thương đến heo con. Phải loại bỏ những nái có vấn đề.

Theo thepigsite
Biên dịch: heo.com.vn




Các tin khác :
loading...
loading...

Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
Số 6, Hưng Thái 1, P. Tân Phong, Q.7, Tp.HCM
ĐT: (08) 5410. 3615 - Fax: (08) 5410 3573 - Email: heo@heo.com.vn
©Copyright 2010 by Kiến Thức Chăn Nuôi Heo
®Kiến Thức Chăn Nuôi Heo giữ bản quyền nội dung trên website này
Số lượt truy cập: stats counter