Thông Tin Chăn Nuôi
> Thông Tin Chăn Nuôi
21/2/2019 09:35:36
Dịch tả heo châu Phi – ASF: Mối nguy cơ lớn nhất cho ngành chăn nuôi toàn cầu. Chúng ta có thể làm gì?
10 lời khuyên khi đối mặt với Dịch tả heo châu Phi – African Swine Fever (ASF).
Khái quát
Bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASF) là bệnh truyền nhiễm trên heo ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cấp độ. Vì ASF là căn bệnh bắt buộc phải khai báo đối với Tổ chức Thú y thế giới (OIE), việc công bố dịch bệnh của nó sẽ tạo ra những hạn chế thương mại ngay lập tức. Hơn nữa, khi ASF được thông báo ở 1 trang trại, tất cả heo phải bị tiêu hủy và thực hiện những quy trình tẩy trùng nghiêm ngặt. Tất cả các điều này (gián tiếp hay trực tiếp) sẽ dẫn đến những thiệt hại kinh tế và hậu quả xã hội tại địa phương bị ảnh hưởng.
Trong thập kỷ qua, ASF đã lây lan ở Đông Âu. Ban đầu, dịch bùng phát ở vùng Caucasus (Tây Nam nước Nga) và sau đó, lây lan ra phía Bắc đến các nước như Cộng hòa liên bang Nga, Ukraina và Belarus. Vào năm 2014, căn bệnh đã lan đến 4 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm: Estonia, Latvia, Ba Lan và Lithuania, sau đó là một số nước châu Âu khác như Moldova, Công hòa Séc, Rumani, Hungary, Bulgaria. Trung Quốc cũng đã thông báo về dịch vào tháng 8/2018 và tính đến nay 8 tỉnh của nước này đã công bố dịch với hơn 90.000 con heo đã bị tiêu hủy. Thêm vào đó, Bỉ đã thông báo một vài ca nhiễm ở heo rừng vào ngày 14/09/2018.
Vì vậy, tình hình dịch tễ của ASF có thể được xếp loại vào mức đe dọa nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi toàn cầu. Bài viết này sẽ tập trung vào những đặc điểm chính của tình hình dịch tễ hiện nay và đưa ra một số giải pháp đối với những thách thức trong tình hình này.
Những đặc điểm chính của Dịch tả heo châu Phi
1. Một số kịch bản dịch tễ đã được ghi nhận trên thế giới trong tình hình hiện nay: - Tại vùng Caucasus, Nga, Ukraina và Rumani: bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến heo nhà. Tỷ lệ ca ở heo rừng chiếm ít hơn.
- Ở các nước thuộc khối EU, hơn 90% ca ASF phát hiện ở heo rừng và 1 số phát dịch nhỏ lẻ ở trại heo.
- Ở Trung Quốc, mới phát dịch gần đây, bệnh lây lan nhanh đối với heo nhà.
2. Quần thể heo rừng và sự tiến hóa của vi-rút đóng vai trò then chốt trong khả năng tồn tại và lây lan của ASF. Nguyên nhân của việc này bao gồm: - Số lượng heo rừng đang tăng cao hơn bao giờ hết. Trong 10 năm gần đây, con số đã gia tăng chóng mặt, một số nơi thậm chí đã tăng lên gấp 7 lần. Điều này ảnh hưởng đến tần suất của việc tiếp xúc và cơ hội lây lan những căn bệnh truyền nhiễm.
- Heo hoang dã sinh sống tự do trong tự nhiên, di chuyển qua lại vùng biên giới, được xác định là nguồn lây bệnh chính đến những vùng không có dịch. Việc di chuyển của những đàn heo hoang dã này làm gia tăng việc lây lan vi-rút nhiều lần và đe dọa tái lây nhiễm, khiến cho họ hàng xa của chúng – heo nhà bị nhiễm bệnh.
- Những chủng ASF khác nhau được phân lập trong những ca dịch tễ này. Vi-rút ASF được phân lập từ những con vật bị nhiễm với nhiều cấp độ lâm sàng khác nhau từ cấp tính đến không có triệu chứng. Phát hiện này không mới, vì nó đã được mô tả trước đây khi dịch bệnh diễn ra ở Tây Ban Nha và Sardinia. Ở những vùng lần đầu bị lây nhiễm, những ca cấp tính được ghi nhận. Tuy nhiên, khi nhiễm trùng lan trong khu vực, khoảng 2 – 6% con vật bị nhiễm, có thể sống sót, chứa vi-rút trong các cơ quan, các hạch bạch huyết và với tình trạng nhiễm vi-rút huyết gián đoạn. Các con vật mang mầm bệnh này tạo thành nguồn lây nhiễm tiềm ẩn cho môi trường và cho động vật khỏe mạnh (heo rừng và heo nhà).
 Hình 1. Con đường lây truyền của vi rút Dịch tả heo châu Phi bao gồm tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với động vật bị nhiễm, sản phẩm, chất tiết, máu, thịt của chúng, những phần tử bị ô nhiễm và các yếu tố sinh học mang trùng.
3. Hoạt động của con người vẫn đang gây gia tăng tốc độ lan truyền ASF ở một số vùng bị nhiễm: - Khi người dân chưa ý thức được cơ chế lây nhiễm, dịch ASF có thể lan ra xa hơn nữa. Một số hành động của con người có thể gây bùng phát ASF, như cho heo ăn đồ ăn thừa hay "bán tống bán tháo" ở một số trại muốn thanh lý thật nhanh những con heo bị bệnh trước khi bị phát hiện.
- An toàn sinh học của trại là điều thiết yếu để phòng tránh lây nhiễm ASF. Mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ chính là mắt xích yếu nhất trong ngành chăn nuôi heo, nên đây thường là nơi dịch bệnh bùng phát.
- Một trong những con đường lan truyền vi-rút chính là phương tiện vận tải không được vệ sinh, sát trùng đúng tiêu chuẩn.
- Quản lý heo hoang dã bao gồm việc cho heo rừng ăn ở vùng săn bắn làm tăng tần suất xuất hiện và thuận lợi cho việc tiếp xúc. Tất cả những yếu tố này sẽ dẫn đến gia tăng việc lây nhiễm.
Những khuyến nghị khi đối mặt với vấn đề
- Không được xem nhẹ bệnh hay vi-rút. ASF là một bệnh phức tạp từ cấu tạo vi-rút cho đến những đặc điểm dịch tễ học.
- Tìm hiểu về bệnh, cơ chế lây lan (lây qua không khí không được đánh giá là quan trọng, mặc dù lây qua đường máu rất nguy hiểm, những phương tiện, đồ vật bị vấy nhiễm mới là mối nguy cơ lớn nhất), tiến triển lâm sàng (từ cấp tính đến không có triệu chứng), bệnh lưu hành ở trại (ít khi bùng phát).
- Chương trình phát hiện sớm và kế hoạch dự phòng cần được xem xét và cập nhật. Tất cả thành viên của chuỗi sản xuất đang đối mặt với ASF cần được cung cấp thông tin và nên cùng phối hợp hành động (người chăn nuôi, bác sĩ thú y, phòng xét nghiệm tư nhân/nhà nước, Cục Kiểm lâm, nhà nghiên cứu, chính trị gia, v.v).
- 4. Chẩn đoán. Tổ chức huấn luyện lâm sàng cho việc phát hiện bệnh để tạo ra hệ thống phát hiện bệnh sớm. Xét nghiệm kiểm tra kháng thể (ELISA và xét nghiệm) và vi-rút (Real-time PCR) cần được tiến hành song song. Điều này cần thiết vì có những trường hợp chưa mắc nhưng có kháng thể hiện diện (và ngược lại).
- Chương trình kiểm soát (khoanh vùng và/hoặc phân vùng) cần được xem xét theo các đặc điểm của kịch bản dịch tễ học. Các chiến lược khoanh vùng và/hoặc phân vùng có thể được phối hợp.
- Ngưng nhập khẩu heo sống và sản phẩm từ heo ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các trang trại chăn nuôi heo, đặc biệt là tại các trang trại nhỏ lẻ, nơi có khả năng tiếp xúc với heo rừng. Nếu có thể, chọn vị trí xây dựng các trang trại chăn nuôi bên ngoài hoặc xa khu vực có heo rừng. Nếu không, hãy áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như làm hàng rào hai lớp, thay đổi chuồng hoặc quây lưới ở cửa sổ, trong số những cách khác, rất quan trọng để phòng tránh ASF xâm nhập.
- Thực hiện những phương pháp để làm giảm số lượng heo rừng. Chúng ta cần sự phối hợp từ thợ săn, sự hợp tác và thỏa hiệp của họ là điều cần thiết để kiểm soát và dập dịch ASF.
- Tiếp tục giáo dục (về căn bệnh) cho những người có thể lây truyền vi-rút sang vật nuôi mẫn cảm, bao gồm không chỉ người chăn nuôi mà còn khách du lịch và bất kỳ ai tiếp xúc với động vật mẫn cảm.
- Tiếp tục nghiên cứu để tìm ra vắc-xin phòng ngừa ASF. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Complutense của Madrid phối hợp với CISA-INIA, đang nỗ lực tạo ra một vắc-xin an toàn và hiệu quả với kết quả đầy triển vọng.
Kết luận
ASF đang lan rất nhanh mặc cho những nỗ lực để kiểm soát nó. Kể từ năm 2014, 9 nước thành viên EU đã công bố về dịch bệnh này. Vì vậy, hệ thống kiểm soát và chống dịch ASF cần được cải tiến. Nếu chúng ta không hành động, có thể heo rừng mang trùng ở châu Âu sẽ trở thành nguồn lây bệnh, không chỉ cho những heo rừng khác, mà còn cả đàn heo thịt tại trang trại. Toàn bộ ngành chăn nuôi đang đối mặt với nguy cơ lớn mà chúng ta cần hạn chế nó càng nhiều càng tốt.
(Trích Ấn phẩm thông tin Chăn Nuôi Heo tập 111- tháng 11/2018)
|
|
|